I. Vật liệu lọc nước sinh hoạt là gì?
Vật liệu lọc nước sinh hoạt, nói không quá có thể ví như trái tim của các thiết bị lọc nước. Có nhiều loại vật liệu khác nhau, được phân loại khác nhau tùy theo nguồn nước và công nghệ lọc.
1. Định nghĩa và tác dụng
Hiểu đơn giản, vật liệu lọc nước sinh hoạt là tập hợp các loại vật liệu có khả năng loại bỏ bụi bẩn, tạp chất độc hại, vi khuẩn, vi sinh vật trong nước. Nhờ đó mà nước sau khi lọc sẽ đảm bảo an toàn, phục vụ cho quá trình sinh hoạt:
- Không còn kim loại nặng, các tạp chất gây hại cho sức khỏe
- Không còn vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.
- Không còn các chất hữu cơ tồn dư như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật…
Lưu ý: Để thực hiện quá trình lọc, cần nhiều loại vật liệu lọc nước sinh hoạt khác nhau. Chúng được sắp xếp với các cấp lọc tương ứng. Hiện tại, chưa có một loại vật liệu lọc nước sinh hoạt nào chỉ sử dụng đơn lẻ mà có khả năng lọc sạch nước.
2. Tại sao cần sử dụng vật liệu lọc nước sinh hoạt?
Nước sinh hoạt có nguồn gốc phức tạp. Đó có thể là nước máy đã qua xử lý nhưng cũng có thể là nước giếng khoan. Các nguồn nước này đều tiềm ẩn nguy cơ không an toàn khi sử dụng do nhiều yếu tố:
- Hệ thống lưu trữ (bể chứa), vận chuyển (đường ống).
- Dư lượng Clo thêm vào trong quá trình xử lý.
- Nguồn nước cấp ban đầu bị ô nhiễm kim loại nặng, hóa chất, vi khuẩn, vi sinh vật….
Bạn sẽ gặp phải nhiều rủi ro về sức khỏe khi sử dụng các nguồn nước trên. Do đó, việc sử dụng vật liệu lọc nước sinh hoạt là rất cần thiết.
3. Phân loại vật liệu lọc nước sinh hoạt
Có nhiều cơ sở khác nhau để phân loại vật liệu lọc nước sinh hoạt. Thường người ta sẽ dựa vào nguồn nước đầu vào như:
- Vật liệu lọc nước giếng khoan
- Vật liệu lọc nước máy
- Vật liệu lọc nước đầu nguồn
- Vật liệu lọc nước thô
Người ta cũng có thể dựa vào đặc tính của nguồn nước như: vật liệu lọc nước phèn,…Hay thậm chí là phân loại vật liệu lọc theo công nghệ lọc (RO, Nano, UF)
II. Một số loại vật liệu lọc nước sinh hoạt thường dùng
Dưới đây là thông tin về một số loại vật liệu lọc nước sinh hoạt thường dùng. Có một số loại bạn sẽ thấy quen thuộc, nhưng cũng có một số mà có thể bạn chưa từng nghe tới trước đó.
1. Than hoạt tính
Than hoạt tính chắc chắn là loại vật liệu lọc nước sinh hoạt phổ biến nhất. Trong ngành lọc nước, chắc chắn ai cũng đã từng nghe tới loại vật liệu này!
Theo wikipedia, “than hoạt tính là một dạng của carbon đã được xử lý, tạo ra những lỗ rỗng bé thể tích nhỏ. Nhờ đó, diện tích bề mặt dễ hấp phụ, tăng cường phản ứng hóa học.” Loại vật liệu này được ứng dụng trong công nghiệp, y tế, hóa học và lọc nước.
Than hoạt tính là loại vật liệu lọc nước sinh hoạt hiệu quả, với cơ chế hấp phụ. Nó được chế tạo từ các nguyên liệu như: gáo dừa, tre, than đá, vỏ trấu, gỗ… Quá trình xử lý bằng nhiệt và các tác nhân hóa học sẽ tạo ra các lỗ rỗng rất nhỏ và các tâm hấp phụ trên bề mặt.
Than hoạt tính lọc bỏ hiệu quả các tạp chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, khử mùi nấm mốc, khử Clo dư (trong nước máy). Đặc biệt, những tạp chất nguy hiểm như Bromoform/ Trihalomethanes/ Chlorine… có trong nước sinh hoạt cũng được loại bỏ nhờ than hoạt tính.
Than hoạt tính lọc nước sinh hoạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào 3 đặc tính:
- Kích thước hạt than
- Đường kính lỗ rỗng
- Diện tích bề mặt riêng hay mật độ tâm hấp phụ.
2. Cát thạch anh
Cát thạch anh là vật liệu lọc nước sinh hoạt được dùng nhiều trong các hệ thống lọc nước đầu nguồn. Bản chất của nó là oxit silic (SiO2), kích thước nhỏ, rất bền và diện tích tiếp xúc lớn. Nhờ đặc điểm trên mà cát thách anh có khả năng tạo ra lớp màng mỏng mà ở đó, các chất rắn lơ lửng trong nước bị giữ lại. Hiệu quả hơn, nó sẽ tự động hấp thụ Asen trong nước khi có kết tủa Fe(OH)3
3. Sỏi lọc nước
Có nhiều loại sỏi khác nhau được ứng dụng như vật liệu lọc nước sinh hoạt. Tuy nhiên phổ biến nhất là sỏi lọc nước hay còn gọi là sỏi thạch anh. Nó được dùng phổ biến với nước sinh hoạt có nguồn gốc là nước giếng khoan.
Sỏi thạch anh có thể lọc bỏ các tạp chất, các thành phần lơ lửng không kết tủa trong nước sinh hoạt. Và do đặc tính về cấu trúc và kích thước, nên nó thường được dùng làm bệ đỡ cho cát thạch anh, than hoạt tính….
4. Vật liệu trao đổi ion
Vật liệu trao đổi ion cũng được sử dụng trong các thiết bị lọc nước rất nhiều. Đó có thể là các sợi trao đổi ion hoặc hạt trao đổi ion. Nó có tác dụng trao đổi ion trực tiếp với chì hòa tan trong nước dưới dạng Pb2+. Ngoài ra lớp vật liệu này cũng có tác dụng trao đổi ion 1 phần với kim loại đa hóa trị hòa tan trong nước như Fe3+, Mn4+,…
5. Màng lọc
Trong thời đại hiện nay, màng lọc được coi là loại vật liệu lọc nước sinh hoạt có tính ứng dụng cao nhất. Có nhiều loại màng lọc khác nhau và có thể phân biệt chúng dựa trên công nghệ lọc nước.
Thông thường màng lọc thường được chế tạo từ các vật liệu công nghiệp. Thông qua quá trình xử lý sẽ tạo nên các kích thước mắt lọc khác nhau. Trong thiết bị lọc nước, màng lọc thường được đặt ở cuối cùng trong các lớp vật liệu lọc.
III. Thứ tự các lớp vật liệu lọc nước sinh hoạt
Thực tế, việc sắp xếp thứ tự các lớp vật liệu lọc nước sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn nước đầu vào. Vì thế, các lớp lọc cho nước máy sinh hoạt sẽ khác các lớp lọc của nước giếng khoan.
Ngoài ra, thứ tự sắp xếp vật liệu lọc nước còn phụ thuộc vào vật liệu bạn hiện có. Nhiều ý kiến chỉ ra rằng, nên sắp xếp dựa theo thứ tự lọc. Đầu tiên là các tạp chất lơ lửng, kích thước lớn. Tiếp đó là các kim loại nặng. Thứ 3 lớp vật liệu lọc có khả năng loại bỏ mùi nấm mốc, thuốc bảo vệ thực vật, Clo dư. Lớp cuối cùng thường là vật liệu lọc có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, vi sinh vật.